Làng đan lưới nằm ở ấp Tân Lợi 2, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt – TP Cần Thơ. Do làng nghề nằm kề cây cầu trên QL 91 (đường đi TP Long Xuyên – An Giang) có cái tên rất dễ thương: “Thơm Rơm” nên người miệt sông Hậu quen gọi là “Làng đan lưới Thơm Rơm”. Bà con Thơm Rơm sinh sống thường thường với 2 nghề chính là: làm ruộng và chài lưới. Về Thơm Rơm những ngày sau vụ mùa, sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nườm nượp của mùa gặt lúa, mùi thơm rơm mới ấm áp đồng quê…Có nhẽ vì thế mà nơi đây được định danh là xóm Thơm Rơm. Khi làng nghề làm ăn khấm khá, nhiều người làm nghề đan lưới từ Huế cũng theo “tiếng thơm” tìm vào sinh sống. Dần dần, hình thành nên nghề đan lưới Thơm Rơm của người Huế ở Cần Thơ.
Cứ mỗi độ mùa nước dâng tại vùng ĐBSCL thì làng đan lưới Thơm Rơm lại tấp nập, nờm nợp. Mùa đan lưới bắt đầu từ tháng 3 ÂL (chủ động nguồn hàng cho mùa nước nổi) đến tháng 11 ÂL (khi nước đã ráo chân ruộng và tết cận kề). Thoạt đầu, lưới Thơm Rơm làm ra bán cho bà con địa phương và lân cận ở Ô Môn, Cờ đỏ … nhưng trên 15 năm qua đã có mặt ở nhiều chợ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhận xét của nhiều người: “Lưới Thơm Rơm đan hẹp, độ bền cao, dễ giăng bắt cá, giá lại thấp hơn lưới những nơi khác từ 10%-15% nên thích hợp với túi tiền của người nghèo. Ngày nay cả “làng” có trên 20 cơ sở đan lưới, thu hút gần 400 lao động. Nghề đan lưới chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ.
Nhiều em học sinh nghèo tranh thủ mùa hè rảnh rỗi đến làm thêm việc luồn lưới, kẹp chì cũng có thu nhập 10.000đ – 15.000đ/ngày – vậy là yên tâm khoản chi sách vở cho năm học mới. Nghề lưới đã đích thực mang lại thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn cho bà con nơi đây. Mỗi ngày, một người thợ dập chì, vô phao, hay gia công nhiều công đoạn khác có thể thu nhập từ 150.000 đến 200.000 ngàn đồng. Hàng làm ra có nơi tiêu thụ đã giúp làng nghề có điều kiện cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã.
Về Cần Thơ nếu có dịp các bạn hãy ghé tham quan Làng đan lưới Thơm Rơm một làng nghề đặc biệt chỉ có ở vùng sông nước.